Định Nam đao Từ đường họ Mạc

Bài chi tiết: Định Nam đao

Định Nam đao được phát hiện lần đầu năm 1938 tại Nam Định bởi con cháu họ Phạm gốc Mạc. Tên gọi "Định Nam đao" (đao Nam Định) là do con cháu họ Mạc đặt cho thanh đao này, xuất phát từ việc thanh đao này được phát hiện lần đầu tại tỉnh Nam Định. Năm 2010, thanh đao này đã được con cháu họ Phạm gốc Mạc ở Nam Định đưa về lưu thờ và trưng bày ở Khu tưởng niệm Vương triều Mạc. Theo con cháu họ Mạc thì thanh đao này được cho là binh khí của Mạc Thái Tổ.

Các thông tin về chiều dài, trọng lượng hiện tại, trọng lượng ước tính lúc ban đầu… của Định Nam đao được mô tả lần đầu năm 1986 bởi nhà nghiên cứu lịch sử Lê Xuân Quang.[3] Theo ông Lê Xuân Quang, thanh đao dài 2,55 mét, nặng 25,6 kg (theo phán đoán, nếu chưa han gỉ, thanh long đao có thể nặng đến 30 kg).[4] Dựa trên thông tin mô tả của ông Lê Xuân Quang, rất nhiều người đã đưa ra các nhận định về thanh đao này, trong đó có các quan điểm trái chiều về niên đại và tính thực chiến của nó.

Đến năm 2019, nhóm chuyên gia của Viện Khảo cổ học Việt Nam sau khi đo đạc lại thanh đao này để phục vụ việc lập hồ sơ công nhận bảo vật quốc gia cho thanh Định Nam đao đã công bố thông tin mô tả chi tiết có sự khác biệt lớn so với thông tin của ông Lê Xuân Quang. Theo thông tin đo đạc của Viện Khảo cổ học Việt Nam, thanh đao nặng 12,8 kg (ước tính trọng lượng khi mới sử dụng khoảng 15 kg), và có tổng chiều dài là 239 cm. Đồng thời, với việc phân tích thành phần hợp kim làm ra khâu đao, và đánh giá về hình dạng đầu rồng của khâu đao, Viện Khảo cổ học Việt Nam đã đưa ra nhận định niên đại của thanh đao là thời nhà Mạc.

Đến năm 2020, thanh đao này đã được công nhận là một bảo vật quốc gia của Việt Nam. Hồ sơ đề nghị công nhận bảo vật quốc gia cho thanh đao này ghi nhận thông tin về chiều dài và trọng lượng của thanh đao này như mô tả của Viện Khảo cổ học Việt Nam.[5] Vì vậy, các thông tin mô tả của ông Lê Xuân Quang được xem là không chính xác, và theo đó các ý kiến đánh giá về niên đại cũng như tính thực chiến của thanh đao này dựa trên thông tin mô tả của ông Lê Xuân Quang (đưa ra trước năm 2019) cũng là không chính xác.

Theo nhận định của nhóm chuyên gia Viện Khảo cổ học Việt Nam năm 2019, thanh đao này có các yếu tố để nhận định rằng nó hoàn toàn có thể được dùng trên chiến trận, và khi ra trận thì chủ yếu được dùng trên lưng ngựa. Chẳng hạn, chiều dài của thanh đao này (239 cm) kết hợp với vị trí trọng tâm của thanh đao (cách chuôi đao 107 cm) cho phép sử dụng thanh đao linh hoạt trên lưng ngựa, với tầm sát thương của đao là khoảng 200 cm và tối đa là khoảng 300 cm khi nghiêng hoặc nhoài người. Trọng lượng ban đầu ước tính của thanh đao (khoảng 15 kg) đủ nặng để ra đòn chém bổ uy lực, nhưng vẫn nằm trong tầm kiểm soát của một vị tướng trên chiến trường. Tiết diện cán hình bầu dục giúp việc cầm nắm đao vững chắc, và không bị lật xoay lưỡi đao nếu như cán tiết diện hình tròn. Chuôi đao được đúc đặc để cân bằng với phần lưỡi đao, nên người sử dụng có thể dùng chuôi đao để đánh tứ phía.